Tính đến thời điểm hiện tại, phiên dịch viên vẫn luôn là một trong những ngành nghề mơ ước của nhiều người bởi mức lương mơ ước và cơ hội học tập và phát triển vô cùng tốt. Vậy làm thế nào để có thể trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp và trong thời gian tới liệu nghề này có bị “mờ nhạt” đi không. Hãy cùng Dịch thuật 24h tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Phiên dịch viên là gì?
Phiên dịch viên là công việc chuyển đổi ngôn ngữ giữa hai hay nhiều quốc gia khác nhau. Công việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ, ghi nhớ những nội dung ở một ngôn ngữ sau đó chuyển sang ngôn ngữ khác trong khoảng thời gian ngắn.
Phiên dịch viên là nghề có môi trường làm việc rất đa dạng như các tổ chức chính phủ, công ty đa quốc gia, đại sứ quán,… với mức thu nhập đáng mơ ước.
Hiện nay có hai hình thức phiên dịch cụ thể là:
Phiên dịch song song: hay còn được gọi là dịch cabin, đây là hình thức phiên dịch khó và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Người dịch phải vừa lắng nghe người nói ngôn ngữ nguồn đồng thời dịch lại sang ngôn ngữ đích ngay lập tức, vì thêd không có quá nhiều thời gian suy nghĩ mà cần phải nhạy bén phản xạ nhanh chóng
Phiên dịch nối tiếp: hay còn gọi là dịch đuổi với hình thức dịch này thì “dễ thở” hơn một chút. Người dịch sẽ có khoảng thời gian từ 1 đến 5 phút để lắng nghe, sau khi người nói kết thúc ý, người phiên dịch sẽ bắt đầu dịch nối tiếp lại.
Một số thắc mắc về nghề phiên dịch viên
Nếu như bạn có thắc mắc về nghề phiên dịch thì dưới đây Trung Tâm Ngoại Ngữ Hà Nội đã tổng hợp một list giải đáp các thắc mắc bạn có thể đọc và tham khảo
Muốn làm phiên dịch viên nên học trường nào?
Muốn làm phiên dịch viên nên học trường nào là thắc mắc của rất nhiều người. Việc học theo một lộ trình bài bản sẽ giúp cho bạn có thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức để dễ dàng đạt đến ước mơ hơn. Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành nghề này có thể kể đến như:
Trường Đại học Hà Nội: Một trong những ngôi trường đào tạo ngành ngôn ngữ top đầu với hàng loạt các loại ngôn ngữ như: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Tây Ban Nha,…
Trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội: Thêm một cái tên không thể bỏ qua khi đào tạo ngành ngôn ngữ với bề dày lịch sử cùng đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm. Dường như đây là lựa chọn đầu tiên đối với những ai quan tâm đến ngành biên phiên dịch chuyên nghiệp.
Đại học Sư Phạm Hà Nội: mặc dù cơ hội ngành nghề ở trường này thấp hơn tuy nhiên khi lựa chọn ngành ngôn ngữ Anh tại đây thì sau khi ra trường bạn vẫn sẽ có cơ hội được làm việc và thử sức với nghề phiên dịch viên bài bản.
Đại học Khoa Học Xã hội và Nhân văn: Đa phần các ngành học tại trường không chỉ dạy về ngôn ngữ mà còn cả về văn hóa, xã hội, đất nước và con người. Nếu muốn theo nghề phiên dịch bạn có thể theo học các ngành như: Hàn Quốc Học, Nhật Bản Học, Đông Phương Học,…
Không bằng đại học có làm phiên dịch viên được không?
Câu trả lời là có, tuy nhiên đa số những phiên dịch viên chuyên nghiệp hiện nay đều sở hữu bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên. Dù vậy, bằng cấp cũng chỉ quyết định một phần trong việc trở thành phiên dịch viên. Điều quan trọng hơn cả là bạn cần thể hiện tốt được trình độ ngoại ngữ của mình và thành thạo các kỹ năng mềm cần thiết cho việc phiên dịch thì hoàn toàn có thể trở thành một phiên dịch viên như ý muốn.
Ngành thông dịch viên lấy bao nhiêu điểm
Dưới đây là điểm chuẩn của một số trường ĐH – CĐ chính quy uy tín trên cả nước mới nhất năm 2023 bạn có thể tham khảo.
ĐH Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội
- NN Anh: D01, D78, D90 – 35,55 điểm
- NN Nga: D01, D02, D78, D90 – 33,3 điểm
- NN Pháp: D01, D03, D78, D90 – 34,12 điểm
- NN Trung: D01, D04, D78, D90 – 35,55 điểm
- NN Đức: D01, D05, D78, D90 – 34,35 điểm
- NN Nhật: D01, D06, D78, D90 – 34,65 điểm
- NN Hàn: D01, D02, D78, D90 – 35,4 điểm
- NN Ả Rập: D01, D78, D90 – 33,04 điểm
* Điểm thi môn Ngoại ngữ tương ứng nhân 2
ĐH Ngoại thương Hà Nội
- NN Anh: D01 – 27,5 điểm
- NN Nhật: D01 – 26,8 điểm / D06: 25,8 điểm
- NN Trung: D01 – 28,5 điểm / D04: 27,5 điểm
- NN Pháp: D01 – 26,2 điểm / D03 – 25,2 điểm
* Điểm thi môn Ngoại ngữ tương ứng nhân 2
ĐH Hà Nội
- NN Anh: D01 – 35,38 điểm
- NN Nga: D01, D02 – 31,93 điểm
- NN Pháp: D01, D03 – 33,7 điểm
- NN Trung: D01, D04 – 35,75 điểm / 34,82 điểm CTĐT CLC
- NN Đức: D01, D05 – 33,96 điểm
- NN Tây Ban Nha: D01 – 33,38 điểm
- NN Bồ Đào Nha: D01 – 31,35 điểm
- NN Italia: D01 – 32,63 điểm / 30,95 điểm CTĐT CLC
- NN Nhật: D01, D06 – 34,59 điểm
- NN Hàn: D01, D02 – 36,15 điểm / 34,73 điểm CTĐT CLC
* Điểm thi môn Ngoại ngữ tương ứng nhân 2
Mức lương của ngành biên phiên dịch
Khó có thể đưa ra một con số cụ thể về mức lương của ngành phiên dịch viên. Bởi chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kinh nghiệm, khả năng, quy mô công ty, chất lượng bản dịch,.. Tuy nhiên theo thống kê mới nhất hiện nay thì mức lương của phiên dịch viên trung bình trong khoảng từ 10-15 triệu đồng/tháng. Nếu như làm phiên dịch tại chuỗi các hội nghị cấp cao, các cuộc họp quốc tế thì mức lương sẽ cao hơn gấp 2 hoặc gấp 3 lần.
Mức lương của phiên dịch viên tiếng Anh là bao nhiêu? Đối với ngôn ngữ tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính nên mức lương của một phiên dịch viên tiếng Anh trung bình dao động từ 200 – 400 USD/giờ tương đương từ 5-7 triệu đồng. Một mức lương được đánh giá là đáng mơ ước so với thời điểm hiện tại.
Yêu cầu của ngành phiên dịch viên
Trên thực tế không phải tự nhiên mà bạn có thể trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp được. Bởi ngành nghề này được đánh giá là khá khó, nên cần phải biết và trau dồi thật nhiều kiến thức kỹ năng mới có thể phát triển được
Đam mê ngoại ngữ, hoạt ngôn
Yêu cầu đầu tiên đối với một phiên dịch viên chắc chắn là về ngôn ngữ. Điều này đôi khi cũng trở thành một áp lực khá lớn với nhiều người đã và đang theo đuổi nghề phiên dịch. Phiên dịch viên cần phải biết nhiều thứ tiếng khác nhau và biết sử dụng các ngôn từ một cách linh hoạt để có thể truyền tải thông tin chính xác đúng nội dung đúng nghĩa. Trau dồi thêm thật nhiều vốn từ vựng để không gặp phải các tình huống như bí từ hay dịch sai nghĩa làm ảnh hưởng đến chất lượng bài dịch.
Hiểu biết nhiều về văn hoá xã hội
Đối với một phiên dịch viên giỏi thì việc thông thạo ngôn ngữ thôi chưa đủ mà còn cần phải hiểu thêm về văn hoá xã hội của các ngôn ngữ đó. Việc nắm chắc các kiến thức về văn hoá địa lý sẽ giúp phiên dịch viên truyền tại nội dung một cách mượt mà hơn, không bị vấp váp hay cộc lốc mất ý.
Thành thạo các kỹ năng mềm
Một phiên dịch viên giỏi không chỉ cần thành thạo ngôn ngữ mà còn phải nắm được các kỹ năng mềm hỗ trợ cho việc dịch thuật được trôi chảy hơn.
Nổi bật như kỹ năng lắng nghe sẽ giúp phiên dịch hiểu được thông tin mà người nói muốn truyền tải, những thông tin chính, những nội dung quan trọng, từ đó nắm bắt được cảm xúc và tone giọng chính xác. Ngoài ra còn kể đến kỹ năng giao tiếp lưu loát, giúp người nhận thông tin hiểu nội dung dễ dàng rành mạch và đúng trọng tâm.
Tính chăm chỉ kiên trì
Trên thực tế đối với bất kỳ ngành nghề nào cũng cần phải chăm chỉ và kiên trì. Đặc biệt đối với nghề phiên dịch viên, nếu bạn tạm nghỉ giữa chừng thì chắc chắn sẽ bị bỏ lại. Ngành nghề này luôn yêu cầu bạn không ngừng trau dồi khả năng ngôn ngữ, kiến thức về nhiều mặt, kinh tế xã hội,.. bởi kiến thức là vô tận nên luôn phải cập nhật và bổ sung mới có thể phát triển tốt.
Đạo đức nghề nghiệp
Làm phiên dịch viên không phải chỉ cần dịch là xong. Mà trong quá trình dịch, người dịch cần phải trung thành với nội dung gốc, luôn giữ thái độ công bằng nhất. Tránh tuyệt đối các trường hợp thêm thắt hay bỏ bớt từ ngữ, bình luận thể hiện cảm xúc cá nhân làm sai lệch ý nghĩa nội dung dịch. Luôn ghi nhớ mình là một phiên dịch viên nên không được đứng ra tranh luận như một người tham dự cuộc họp.
Mặt trái của ngành phiên dịch
Không thể phủ nhận rằng nghề phiên dịch viên mang lại nhiều cơ hội học hỏi, phát triển vô cùng tốt với mức thu nhập cao ổn định. Nhưng để có được nhưng “hào quang” như vậy, một phiên dịch viên cũng cần phải đánh đổi rất nhiều thứ hay còn gọi là mặt trái của ngành phiên dịch.
Phải hy sinh nhiều thời gian dành cho gia đình
Tính chất công việc của nghề phiên dịch viên là làm việc liên tục và di chuyển nhiều tới những nơi xa lạ thậm chí là đi công tác cả tháng trời. Vì thế khoảng thời gian dành cho gia đình dường như rất ít, không có nhiều thời gian chăm sóc những người thân yêu. Nếu như bạn là tuýp người hay quan tâm chăm sóc cho người thân thì có lẽ công việc này không phù hợp với bạn.
Chịu áp lực công việc lớn
Nghề phiên dịch viên nói chung đòi hỏi bạn cần phải nắm rõ các hình thức phiên dịch và ít nhất phải có kỹ năng dịch đuổi hoặc dịch song song. Khi ấy bạn cần phải thật sự tỉnh táo, tư duy nhạy bén, trí nhớ tốt ứng biến nhanh. Ngoài ra cũng cần phải thật tự tin chủ động làm chủ tình huống vì đôi khi bạn sẽ cần dịch trước đám đông nhiều người. Những yêu cầu tưởng chừng như rất nhỏ này lại vô tình trở thành những áp lực không tên mà mỗi ngày phiên dịch viên đều trải qua. Vì thế hãy thật vững tâm và cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt công việc được giao.
Không ngừng trau dồi kiến thức
Điều quan trọng mà mỗi phiên dịch viên luôn nhắc nhở bản thân mỗi ngày là kiến thức mình có chưa bao giờ là đủ. Ngày nay xã hội ngày càng phát triển về mọi mặt chắc chắn sẽ có những từ ngữ cách diễn đạt mới phù hợp. Nếu như không chịu trau dồi cải thiện thì khi dịch gặp những kiến thức mới bạn sẽ bị lúng túng, diễn giải không mượt mà mạch lạc, thậm chí làm sai lệch ý nghĩa của câu nói. Chính vì thế hãy liên tục cập nhật từng giây từng phút đừng để bị lạc hậu và bị bỏ lại sau những người khác.
Tính cạnh tranh cao dễ dàng đào thải
Ngày nay khi xã hội phát triển có rất nhiều người giỏi từ 2 thứ tiếng trở lên và hoàn toàn đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành một phiên dịch viên. Do đó bên cạnh mức lương cao thu nhập ổn định thì bạn cũng nên biết rằng ngành nghề này có tính cạnh tranh cao, nếu như không đủ giỏi đủ hiểu biết sẽ rất dễ bị đào thải.
Tương lai của nghề biên phiên dịch
Trong tương lai tới đây, dự đoán nghề biên phiên dịch vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tích cực với đa dạng cơ hội môi trường. Điển hình như sau:
- Các tổ chức quốc tế lớn: Bao gồm các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới,… đều cần phiên dịch viên giỏi để dịch văn kiện, báo cáo tài chính và các tài liệu khác. Đa số họ cần những phiên dịch viên thành thạo tiếng Anh và một số ngôn ngữ như Nhật, Hàn Trung,… để phục vụ cho các đại biểu đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
- Các công ty đa quốc gia: Hầu hết các công ty đa quốc gia đều cần những phiên dịch viên tiếng Anh am hiểu phong tục, tiếng địa phương để hỗ trợ kinh doanh và phát triển mở rộng thị trường.
- Lĩnh vực du lịch: Trong lĩnh vực du lịch thì phiên dịch viên chưa bao giờ là hết hot. Tuy nhiên bạn cũng cần phải trau dồi thêm nhiều kiến thức về từ vựng, hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam để giới thiệu cho bạn bè thế giới.
- Các tòa soạn báo, đài phát thanh, truyền hình: Tại đây, phiên dịch viên sẽ chủ yếu dịch các tài liệu báo chí xuất bản bằng tiếng nước ngoài và tham gia các phiên dịch quan trọng ở các chương trình phát thanh truyền hình dành cho người nước ngoài.
Hy vọng với những nội dung về nghề phiên dịch viên trên đây do Dịch thuật 24h tổng hợp đã giúp cho bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ngành nghề này. Ngành nghề nào cũng sẽ có những mặt xấu và tốt, quan trọng là bạn hãy quyết tâm theo đuổi thì nhất định sẽ thành công. Chúc bạn đưa ra quyết định đúng đắn cho tương lai của bản thân!